Thoái hoá khớp hay viêm khớp thoái hoá có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên thoái hoá khớp lớn thường gặp hơn, nhất là những khớp chịu lực nhiều như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân. Nguyên nhân có thể do lạm dụng sức chịu đựng của khớp, do chấn thương, lão hoá, béo phì, tật bẩm sinh, bệnh thống phong, tiểu đường, các bệnh lý nội tiết... Thoái hóa khớp là bệnh phổ biến nhất của khớp háng. Hậu quả của trình thoái hóa khớp háng là lớp sụn nhẵn bóng bao bọc đầu chỏm xương đùi và mặt trong của ổ cối bị mòn dần, đến lúc mất hết lớp sụn, bệnh nhân đau, đi lại rất khó khăn.
Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh đi lại khó khăn vì khớp này gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng khi cử động hay đứng lâu và đi khập khiễng. Triệu chứng của thoái hóa khớp háng liên quan đến tình trạng hư sụn khớp và mọc các gai xương. Cơn đau xuất hiện khi thay đổi tư thế, đi đứng, chạy nhảy, nếu bệnh nhân hạn chế vận động và nghỉ ngơi thì cơn đau cũng giảm theo. Khi bị thoái hóa nặng, các cơn đau khủng khiêp diễn ra thường xuyên hơn và bệnh nhân bị hạn chế cử động khớp háng.
-
Biểu hiện lâm sàng của thoái hóa khớp háng
Dấu hiệu đầu tiên người bệnh cảm thấy có thể là một chút khó chịu ở khớp háng, mông, đùi… vận động háng khó khăn. Sau đó là đau khi vận động, hết đau khi nghỉ ngơi.
Nếu bệnh nhân không điều trị, tình trạng đau, cứng háng ngày càng tăng, cho đến khi tình trạng trầm trọng hơn, bệnh nhân không thể đi lại, lúc đó chỏm khớp đã biến dạng, các gai xương bám đầy khớp, khớp mất khả năng vận động.
Khi sụn khớp đã mòn hoàn toàn, các phần xương chà xát trực tiếp với nhau, điều này làm cho bệnh nhân rất đau đớn khi di chuyển. Bệnh nhân có thể mất khả năng xoay người, gấp hoặc dạng háng. Để kiểm soát cơn đau, bệnh nhân thường phải đi khập khiễng hoặc dùng nạng trợ đỡ. Cơ vùng đùi bên đau sẽ teo nhỏ dần.
-
Có những phương pháp nào để điều trị thoái hóa khớp háng?
Việc điều trị thoái hóa khớp háng hiện nay còn phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu (chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại và tập vật lý trị liệu…). Khi bệnh nặng hơn, có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid hay các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm theo đơn của bác sĩ. Mặc dù các thuốc này giúp giảm đau, chống viêm nhanh, nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng trong thời gian dài như: loét dạ dày tá tràng, độc gan thận và cơ quan tạo máu... Ngoài ra, khi tổn thương nặng, mất khả năng vận động, bệnh nhân cần phải thay khớp để duy trì khả năng vận động.
Có 3 phương pháp để điều trị thoái hóa khớp háng :
Đây là biện pháp thường được chọn lựa đầu tiên trong việc điều trị thoái hóa khớp háng. Mục đích của việc dùng thuốc là để giảm đau. Nếu bạn chỉ đau vừa phải, thì chỉ cần dùng những thuốc giảm đau thông thường là đủ. Nhưng nếu bạn đau nhiều, cần phải dùng thuốc kháng viêm.
Lối sống có thể đóng vai trò trong bệnh thoái hóa khớp háng, nhất là khi nghề nghiệp của bạn đòi hỏi lao động chân tay nhiều hay vận động nhiều.
- Giảm bớt công việc, giảm bớt đi lại: nhất là khi khớp háng đang đau nhiều. Công việc nặng nhọc hay đi lại nhiều là nguyên nhân làm đau tăng thêm.
- Giảm cân (nếu bạn đang dư cân): tăng trọng lượng làm tăng sự đè ép lên trên khớp háng và khớp gối, từ đó làm sụn khớp mau bị mòn hơn.
- Dinh dưỡng: nghiên cứu cho thấy khẩu phần ăn giàu những a-xít béo loại omega-3 có thể làm giảm tỉ lệ bị mòn lớp sụn khớp. Bạn nên ăn nhiều các loại rau, trái cây, và các loại ngũ cốc.
- Chườm ấm lên khớp háng khi khớp háng đang bị đau. Chườm lạnh lên khớp háng khi vùng xung quanh khớp háng đang bị sưng.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng dành cho những trường hợp bị thoái hóa khớp háng nặng. Lúc này bạn bị đau nhiều, ngay cả khi ngồi một chỗ cũng đau, đi lại khó khăn, khớp háng bị biến dạng như chân bị ngắn lại, teo cơ đùi. Dùng thuốc giảm đau lúc này không còn tác dụng.
Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trên thế giới hiện nay là thay khớp háng toàn phần. Phẫu thuật này chỉ có thể được thực hiện khi có đủ điều kiện như bệnh viện có phòng mổ với độ vô trùng tuyệt đối, có đủ trang thiết bị hiên đại, bác sĩ được đào tạo để làm phẫu thuật thay khớp và có kinh nghiệm. Chi phí cho ca mổ rất đắt, lên tới gần 100 triệu đồng cho một khớp háng. Thời gian phục hồi sau mổ trung bình từ 1 đến 3 tháng.
-
Những bài tập làm căng giãn khớp háng:
Khi bạn bị thoái hóa khớp háng, việc cử động khớp háng trở thành khó khăn do bị đau và cứng khớp. Những bài tập làm căng giãn khớp háng có thể giúp cho việc cử động khớp háng được mềm mại và trơn tru hơn. Tập yoga, trong đó có những động tác làm căng giãn khớp háng, cũng là một phương pháp tốt, vừa giúp làm căng giãn khớp háng, vừa giúp giảm stress. Nguyên tắc chính của các bài tập là phải làm từ từ, khi thấy đau là phải ngưng ngay. Để bảo đảm sự an toàn, bạn nên tham vấn với bác sĩ của bạn về những bài tập này trước khi bắt đầu thực hiện.
Sau đây là một số bài tập có thể áp dụng :
-
Kéo gối: bạn nằm ngửa, co 2 khớp gối lại và kéo sát vào ngực cho đến khi bạn cảm thấy một sự căng giãn
-
Ngồi căng giãn : bạn ngồi tư thế xếp bàn tròn, sao cho 2 gót chân áp sát vào nhau. Kéo từ từ 2 bàn chân về phía khớp háng để tạo sự căng giãn khớp háng
Vận động thể dục thể thao là một phương pháp tốt để duy trì thể lực và sức khỏe của bạn, ngay cả khi bạn đang bị thoái hóa khớp háng. Bạn chỉ nghỉ ngơi khi đang bị một đợt cấp của bệnh thoái hóa khớp háng, gây đau nhiều. Đạp xe, bơi lội là những môn thể thao phù hợp và dễ thực hiện cho những bạn đang bị thoái hóa khớp háng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn để tìm những môn thể thao nào phù hợp với tình trạng bệnh của bạn, sau đó áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày.